Tổng thầu EPC là gì? Những điều cần biết về tổng thầu xây dựng EPC

   Trong lĩnh vực xây dựng, đặc biệt là các dự án quy mô lớn, tổng thầu EPC đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo tính hiệu quả, chất lượng và tiến độ công trình. Vậy tổng thầu EPC là gì.Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tổng thầu EPC, từ định nghĩa, quyền lợi và nghĩa vụ, đến các nội dung mà tổng thầu EPC phải quản lý và các yếu tố cần thỏa thuận trước khi ký kết hợp đồng.

Khái niệm, quyền lợi và nghĩa vụ của tổng thầu dự án EPC

1. Tìm hiểu chung về tổng thầu EPC

Dưới đây là khái niệm, quyền lợi và trách nhiệm của tổng thầu EPC.

1.1 Tổng thầu EPC là gì?

Tại Điều 2, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP có đề cập đến khái niệm về tổng thầu EPC như sau: Tổng thầu xây dựng thực hiện hợp đồng EPC (tổng thầu EPC) là nhà thầu chịu trách nhiệm thực hiện toàn bộ các công việc về thiết kế, cung ứng thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình của dự án.

1.2 Quyền lợi và nghĩa vụ của tổng thầu EPC

Theo quy định tại Điều 22, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, tổng thầu EPC có trách nhiệm và quyền lợi sau:

  • Về quyền lợi, tổng thầu xây dựng được hưởng một phần chi phí quản lý dự án. Số tiền, mức hưởng này dựa trên thỏa thuận giữa tổng thầu EPC với phía chủ đầu tư.
  • Về trách nhiệm, tổng thầu EPC có trách nhiệm tham gia vào quản lý thực hiện một phần hoặc toàn bộ dự án xây dựng theo thỏa thuận hợp đồng với chủ đầu tư. Đồng thời, tổng thầu EPC phải có đầy đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng theo quy định của Nghị định này cùng các quy định khác có liên quan để thực hiện phần công việc do mình đảm nhận.

Phạm vi quản lý của Tổng thầu EPC trong dự án

2. Những nội dung tổng thầu EPC tham gia quản lý

Căn cứ Khoản 2, Điều 22, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP, những nội dung mà tổng thầu EPC tham gia quản lý thực hiện dự án bao gồm:

  • Tạo ra Ban điều hành để triển khai quản lý công việc theo phạm vi hợp đồng.
  • Quản lý công tác thiết kế công trình, gia công chế tạo và cung cấp thiết bị, vật tư chuyển giao công nghệ và đào tạo vận hành dự án.
  • Quản lý hoạt động thi công xây dựng đồng thời kết nối với các nhà thầu phụ về công việc.
  • Điều phối, kiểm soát chung tiến độ thực hiện dự án.
  • Giám sát, kiểm tra, bảo đảm công tác an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ môi trường của công trường xây dựng.
  • Quản lý tổng mặt bằng công trình xây dựng.
  • Tổ chức công tác nghiệm thu hạng mục và công trình xây dựng hoàn thành để bàn giao cho phía chủ đầu tư.
  • Thực hiện các yêu cầu khác của chủ đầu tư về quản lý các hoạt động xây dựng khác.

>>> Xem thêm: Hợp đồng điện tử, hợp đồng vô hiệu.

3. Nội dung tổng thầu EPC cần thỏa thuận trước khi ký kết hợp đồng

Theo quy định tại Khoản 3, Điều 1, Nghị định số 50/2021/NĐ-CP, trước khi ký kết hợp đồng EPC, tổng thầu EPC và các bên phải thỏa thuận cụ thể những nội dung chủ yếu sau:

  • Phạm vi công việc mà các bên dự kiến thực hiện theo hợp đồng EPC.
  • Thỏa thuận về cấp, loại, hướng tuyến công trình và vị trí xây dựng.
  • Loại công trình (dân dụng, công nghiệp…), quy mô, công suất.
  • Phương án sản phẩm, khả năng khai thác và sử dụng sau khi hoàn thành.
  • Các số liệu, tài liệu liên quan đến điều kiện tự nhiên, địa chất, thủy văn tại khu vực xây dựng công trình.
  • Yêu cầu về thiết kế xây dựng cùng các thông số thiết kế.
  • Các phương án về thiết bị, kỹ thuật và công nghệ sẽ sử dụng. Xuất xứ của thiết bị và giải pháp kết nối với hệ thống kỹ thuật hiện có (nếu có).
  • Phương án kết nối hạ tầng bên trong và bên ngoài công trình.
  • Giải pháp phòng cháy chữa cháy trong phạm vi gói thầu EPC.
  • Giải pháp về xây dựng và loại vật liệu chính sẽ dùng trong dự án.
  • Yêu cầu về quản lý chất lượng, thử nghiệm, chạy thử, bảo hành và bảo trì công trình xây dựng.
  • Các yếu tố về kiến trúc, mặt bằng, mặt cắt, mặt đúng và kích thước, kết cấu chính của công trình trong phạm vi gói thầu EPC.
  • Danh mục kèm mức độ áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng trong thiết kế, cung cấp thiết bị và thi công.
  • Các hướng dẫn chi tiết liên quan đến vật tư, thiết bị, dịch vụ kỹ thuật và quy trình vận hành công trình trong phạm vi gói thầu EPC.
  • Yêu cầu về bảo vệ môi trường, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy và các yếu tố liên quan.
  • Quy định về các thủ tục phê duyệt cần thiết; Danh mục các loại tài liệu, số lượng hồ sơ cần nộp và thời gian nộp cho phía nhà thầu.
  • Kế hoạch tiến độ thực hiện dự án; các mốc thời gian hoàn thành công việc hạng mục chính và toàn bộ dự án để đi vào sử dụng, khai khác.
  • Phân chia trách nhiệm giữa bên giao thầu và bên nhận thầu trong việc cung cấp điện, nước, thông tin liên lạc, giao thông nội bộ và các dịch vụ khác tại công trường; Cách thức xử lý giao diện giữa các gói thầu trong cùng một dự án.

Như vậy, tổng thầu EPC không chỉ là một khái niệm pháp lý mà còn là giải pháp quản lý toàn diện cho các dự án xây dựng phức tạp. Với vai trò quan trọng trong việc kết nối các bên liên quan và kiểm soát toàn bộ quá trình thực hiện dự án, tổng thầu EPC góp phần không nhỏ vào sự thành công của các công trình. Hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm, và các yếu tố cần thỏa thuận khi làm việc với tổng thầu EPC sẽ giúp các bên liên quan đạt được sự hợp tác hiệu quả và đảm bảo thành công cho dự án xây dựng. Tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích tại https://hoadondientu.edu.vn/.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*