Hợp đồng tương tự trong đấu thầu là tài liệu đi kèm hồ sơ dự thầu, dùng để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thực hiện các công việc tương tự trước đó. Vậy có những quy định và yêu cầu gì đối với hợp đồng tương tự ? Dưới đây là những thông tin chi tiết về loại tài liệu này.
1. Hợp đồng tương tự trong đấu thầu là gì?
Hợp đồng tương tự trong đấu thầu được hiểu là các hợp đồng mà một nhà thầu đã thực hiện trước đây và có tính chất, phạm vi, quy mô và điều kiện tương tự với hợp đồng mà họ đang dự thầu. Đây là một yếu tố quan trọng để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu trong việc thực hiện các công việc tương tự trước đó. Theo đó, hợp đồng tương tự là tài liệu thường có trong hồ sơ dự thầu nhằm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, chứng minh kinh nghiệm thực hiện những hợp đồng tương tự để hồ sơ dự thầu được xem xét, đánh giá.
Hợp đồng tương tự trong đấu thầu được quy định như thế nào?
2. Quy định về hợp đồng tương tự trong đấu thầu
Căn cứ Khoản 3 & Khoản 4, Điều 12, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, hợp đồng tương tự là một trong những tiêu chí để đánh giá hồ sơ dự thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và gói thầu xây lắp, bao gồm:
– Đánh giá tiêu chí năng lực và kinh nghiệm dựa trên kinh nghiệm thực hiện các gói thầu tương tự.
– Với tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật, uy tín của nhà thầu được xem xét dựa trên việc thực hiện các hợp đồng tương tự trước đó.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 27, Nghị định 24/2024/NĐ-CP của Chính phủ: Bên mời thầu được yêu cầu nhà thầu bổ sung hoặc thay thế hợp đồng tương tự khác để đánh giá trong một khoảng thời gian phù hợp nếu hợp đồng tương tự mà nhà thầu đã đề xuất trong hồ sơ dự thầu trước đó không đáp ứng yêu cầu.
Khoản 2, Điều 65 của Nghị định này, trường hợp sau khi đóng thầu, nhà thầu phát hiện hồ sơ dự thầu thiếu các tài liệu về hợp đồng có tính chất tương tự đã được đề xuất trong hồ sơ dự thầu thì được gửi tài liệu đến bên mời thầu. Bên mời thầu có trách nhiệm tiếp nhận những tài liệu bổ sung, làm rõ của nhà thầu để xem xét, đánh giá; các tài liệu bổ sung, làm rõ là một phần của hồ sơ dự thầu.
Hợp đồng tương tự có yêu cầu gì?
3. Những yêu cầu về hợp đồng tương tự trong đấu thầu
Những yêu cầu về hợp đồng tương tự thường có trong các hướng dẫn, quy định làm hồ sơ. Dưới đây là các yêu cầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và gói thầu xây lắp.
3.1 Yêu cầu về hợp đồng tương tự trong đấu thầu mua sắm trực tiếp
Theo Điểm a, Khoản 1, Điều 60, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, yêu cầu về đơn giá của hàng hóa và hợp đồng tương tự đối với quy trình mua sắm trực tiếp như sau: “Nếu hàng hóa thuộc gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp là một trong nhiều loại hàng hóa thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó thì quy mô của hàng hóa áp dụng mua sắm trực tiếp phải nhỏ hơn 130% quy mô của hàng hóa cùng loại thuộc gói thầu tương tự đã ký hợp đồng trước đó.”
Cũng theo Điểm c, Khoản 4, Điều 60 của Nghị định này, đơn giá của các công việc của gói thầu áp dụng mua sắm trực tiếp cần được bên mời thầu đảm bảo không vượt đơn giá của các công việc tương ứng, thuộc gói thầu tương tự trước đó và phù hợp với giá thị trường tại thời điểm giao kết hợp đồng.
3.2 Yêu cầu về hợp đồng tương tự trong đấu thầu xây lắp
Theo hướng dẫn tại Ghi chú số 10, Mục 2, Chương 2, Mẫu hồ sơ mời thầu xây lắp ban hành kèm theo của Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT. Công việc xây lắp của các hợp đồng tương tự có các tính chất tương tự với gói thầu đang xét, yêu cầu:
– Tương tự về bản chất và độ phức tạp: Công trình xây lắp ở hợp đồng tương tự (hợp đồng trước đó ) có cùng loại và cấp hoặc cao cấp hơn với công trình được yêu cầu trong gói thầu mới. Với một số công việc đặc thù chỉ yêu cầu nhà thầu phải có hợp đồng tương tự đã thi công trước đó tương đồng bản chất và độ phức tạp đối với các hạng mục chính trong gói thầu.
– Tương tự về quy mô công việc: Giá trị công việc xây lắp của hợp đồng tương tự lớn hơn hoặc bằng với giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang dự thầu.
– Ngoài ra, một hợp đồng xây lắp được xem là tương tự nếu có hai công trình cấp thấp hơn liền kề với cấp của công trình hiện tại đang xét thầu. Trong đó, quy mô của mỗi công trình cần bằng ít nhất 70% giá trị công việc xây lắp của gói thầu đang xét.
Như vậy, hợp đồng tương tự là một dạng tài liệu quan trọng trong đấu thầu. Đây sẽ là yếu tố ảnh hưởng lớn đến việc thành công trong khi dự thầu. Do đó, doanh nghiệp, tổ chức cần lưu ý về hợp đồng tương tự để hoàn thiện hồ sơ dự thầu một cách đầy đủ nhất. Tham khảo nhiều thông tin bổ ích tại https://hoadondientu.edu.vn/
Để lại một phản hồi