Mua bán hóa đơn bất hợp pháp và những giải pháp ngăn chặn

Tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp đã giảm mạnh song nó vẫn là vấn đề khá nhức nhối khi ngành thuế phải chuyển sang cơ quan công an điều tra 121 vụ mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp trong năm 2016.

Doanh nghiệp mua hóa đơn bất hợp pháp chủ yếu do 2 nguyên nhân. Thứ nhất là để hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) hoặc hợp lý hóa chi phí nhằm giảm thiểu số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp. Hai là để hợp thức hóa đầu vào, ghi tăng chi phí sản xuất, kinh doanh và cả chi phí không hề phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có chi phí “tiếp khách” của lãnh đạo doanh nghiệp, chi dùng cho cá nhân và gia đình chủ doanh nghiệp.

Sau khi tìm ra “nguồn cơn” sự tồn tại của thị trường mua bán hóa đơn bất hợp pháp, Bộ Tài chính đã dùng các biện pháp siết chặt quản lý, nhờ vậy, tình trạng buôn bán hóa đơn bất hợp pháp đã giảm mạnh kể từ năm 2014.

Một trong những biện pháp được cơ quan quản lý áp dụng là bổ sung hàng loạt hàng hóa, dịch vụ vào đối tượng không chịu thuế (không được hoàn thuế), trong đó có sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, hải sản chưa chế biến hoặc sơ chế. Đây cũng là những lĩnh vực còn nhiều kẽ hở mà một số đối tượng từng chiếm đoạt tiền hoàn thuế bằng cách xuất khẩu khống, xuất khẩu “quay vòng” nông  – lâm, thủy sản chưa qua chế biến hoặc mới sơ chế.

mua-ban-hoa-don-bat-hop-phap

Biện pháp giảm thiểu hoàn thuế giá trị gia tăng cùng với việc tăng khấu trừ, giảm hoàn thuế cũng khiến thị trường buôn bán hóa đơn bất hợp pháp tiếp tục co hẹp kể từ ngày 1/7/2016. Kết quả là năm 2016, dù ngành thuế thực hiện hậu kiểm trên 60% số hồ sơ đề nghị hoàn thuế, nhưng tổng số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng giảm hơn 15.600 tỷ đồng so với năm 2015 cho dù kim ngạch xuất khẩu tăng 8,6% và nền kinh tế có thêm hơn 110.200 doanh nghiệp thành lập mới cùng trên 1.200 lượt doanh nghiệp có vốn FDI – đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng trong giai đoạn đầu tư – tăng vốn.

Tuy vậy, con số 121 vụ mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp năm 2016 mà ngành thuế đã phải chuyển sang cơ quan công an điều tra là không nhỏ.

Sử dụng hóa đơn bất hợp pháp không chỉ mất nguồn thu của ngân sách nhà nước, tạo ra môi trường cạnh tranh bất bình đẳng, mà bản thân doanh nghiệp sử dụng loại hóa đơn này cũng gặp tai họa. Lý do là dù chỉ 1 tờ hóa đơn bất hợp pháp, khi bị phát hiện thì ngay lập tức, doanh nghiệp đang từ đối tượng thuộc diện hậu kiểm sẽ bị chuyển sang tiền kiểm (kiểm tra trước, hoàn thuế sau, khấu trừ sau), bị truy thu số thuế còn thiếu và bị phạt từ 1-3 lần số thuế gian lận. Doanh nghiệp đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính thuế, thậm chí sẽ bị đưa vào đối tượng có độ rủi ro cao và hằng năm cơ quan thuế sẽ ưu tiên “chăm sóc”…

Biết vậy, nhưng vì lợi ích trước mắt, không ít doanh nghiệp vẫn sẵn sàng vi phạm. Mới đây, Hà Nội nổi lên là địa phương có tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp nhiều nhất với 216 vụ mua bán 6.080 số hóa đơn có giá trị 1.794 tỷ đồng liên quan đến 1.260 doanh nghiệp.

Buôn bán hóa đơn là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm. Song muốn giảm triệt để tình trạng trên thì công tác tuyên truyền giúp doanh nghiệp hiểu tác hại của việc sử dụng loại chứng từ này chưa đủ, quan trọng hơn, phải có chế tài xử lý đủ mạnh. Biện pháp trước hết là tăng hình thức xử, mức xử phạt khi sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 (dự kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào ngày hôm nay – 20/2/2017).

Sau nữa, phải tăng cường thanh tra, kiểm tra với tỷ lệ ít nhất phải đạt 18-20% trong tổng số hơn 571.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử thay vì hóa đơn giấy. Ngoài ra, phải có chế tài yêu cầu doanh nghiệp, hộ kinh doanh ăn uống, dịch vụ cao cấp sử dụng máy thanh toán kết nối với cơ quan thuế; khuyến khích người tiêu dùng lấy đủ hóa đơn khi mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ bằng cách chấp nhận một số chi phí được trừ nếu có hóa đơn khi tính thuế thu nhập cá nhân…

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*