Mối quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ và quy định pháp lý liên quan

Mối quan hệ giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ đóng vai trò quan trọng trong việc xác định hiệu lực và tính pháp lý của mỗi loại hợp đồng. Trong bài viết này, chúng ta sẽ phân tích rõ khái niệm, sự khác biệt và mối liên hệ giữa hai loại hợp đồng này cũng như cách mà hợp đồng chính và hợp đồng phụ ảnh hưởng lẫn nhau về mặt pháp lý, cùng với đó là các tình huống khi một trong hai hợp đồng bị vô hiệu.

1. Khái niệm hợp đồng chính và hợp đồng phụ

Khoản 3, Khoản 4, Điều 402, Bộ Luật dân sự 2015, ta có:

  • Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ.
  • Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.

Như vậy, hợp đồng chính mang tính độc lập và có thể tồn tại đơn lẻ. Trong khi đó, hợp đồng phụ có tính phụ thuộc, nghĩa là hiệu lực của nó gắn liền với hợp đồng chính.

Phân biệt hợp đồng chính và phụ.

2. Điểm khác biệt giữa hợp đồng chính phụ là gì?

Hợp đồng chính và phụ mang một số đặc điểm riêng biệt khiến cho hai loại hợp đồng này có sự khác biệt như sau:

Tính độc lập và phụ thuộc:

Căn cứ vào khái niệm của hợp đồng chính và hợp đồng phụ, ta có:

  • Hợp đồng chính có tính độc lập, có nghĩa là hiệu lực của nó không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ hợp đồng nào khác, bao gồm cả hợp đồng phụ. Nó có thể tồn tại và phát huy hiệu lực ngay cả khi không có hợp đồng phụ. Hợp đồng chính thường xác định các quyền và nghĩa vụ cơ bản giữa các bên liên quan.
  • Hợp đồng phụ: Hợp đồng này có tính phụ thuộc, nghĩa là hiệu lực của nó gắn liền với hợp đồng chính. Hợp đồng phụ chỉ có hiệu lực nếu hợp đồng chính có hiệu lực và thực hiện đúng theo những gì đã thỏa thuận. Thông thường, hợp đồng phụ đóng vai trò bổ trợ hoặc làm rõ thêm các điều khoản của hợp đồng chính, hoặc đưa ra những cam kết bổ sung.

Tính ràng buộc pháp lý

Điều 407, Bộ luật dân sự 2015 cũng quy định:

  • Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
  • Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

Do đó, khi giao kết hợp đồng phụ, các bên cần đảm bảo tính hợp pháp của hợp đồng chính, vì nếu hợp đồng chính bị vô hiệu do không đáp ứng các điều kiện pháp lý, thì hợp đồng phụ cũng sẽ không còn giá trị pháp lý.

Tính bổ trợ:

Hợp đồng phụ thường mang tính chất bổ sung hoặc mở rộng cho hợp đồng chính, ví dụ như các điều khoản về bảo hiểm, bảo lãnh, hoặc các nghĩa vụ phụ thuộc khác.

Khi hợp đồng chính hoặc hợp đồng phụ hết hiệu lực

3. Mối quan hệ về hiệu lực giữa hợp đồng chính và hợp đồng phụ

Dưới đây là sự ảnh hưởng của 2 loại hợp đồng khi một trong hai loại hết hiệu lực.

3.1 Hệ quả khi hợp đồng chính hết hiệu lực đối với hợp đồng phụ

Theo khái niệm của hợp đồng phụ tại Khoản 4, Điều 402, Bộ luật Dân sự 2015, “Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.”. Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 407 của Bộ luật dân sự 2015 có quy định rằng: “Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ khi các bên đã thỏa thuận rằng hợp đồng phụ sẽ thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.”

Vì vậy, có thể khẳng định rằng hiệu lực của hợp đồng phụ phụ thuộc vào hợp đồng chính. Khi hợp đồng chính hết hiệu lực, hợp đồng phụ cũng sẽ hết hiệu lực. Tuy nhiên, điều này không áp dụng trong mọi trường hợp, mà có hai trường hợp ngoại lệ:

  • Các bên có thỏa thuận rằng hợp đồng phụ sẽ thay thế hợp đồng chính.
  • Quan hệ giữa hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm và biện pháp bảo đảm sẽ tuân theo các quy định về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

3.2 Hệ quả khi hợp đồng phụ hết hiệu lực đối với hợp đồng chính

  • Tại Khoản 3, Điều 407, Bộ Luật này cũng quy định: “Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.”

Do đó, hiệu lực của hợp đồng chính là độc lập và không bị ảnh hưởng khi hợp đồng phụ hết hiệu lực, trừ khi các bên thỏa thuận rằng hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính hay các trường hợp có thỏa thuận đặc biệt khác. Quy định này cũng không áp dụng đối với quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ như được trình bày ở phần trên.

Tổng kết lại, mối quan hệ giữa hai loại hợp đồng là hợp đồng chính và hợp đồng phụ giúp xác định rõ ràng quyền và nghĩa vụ của các bên trong nhiều tình huống khác nhau, đặc biệt trong những giao dịch phức tạp, và bảo đảm rằng có một cơ chế minh bạch khi một trong hai hợp đồng gặp vấn đề. Tham khảo thêm nhiều thông tin tại https://hoadondientu.edu.vn/

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*