Trong các giao dịch dân sự, hợp đồng đặt cọc đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ giữa các bên. Việc hiểu rõ khái niệm, hình thức và quy định pháp luật liên quan đến hợp đồng đặt cọc là cần thiết để tránh những rủi ro pháp lý không mong muốn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những thông tin tổng quan về hợp đồng đặt cọc là gì, các quy định quan trọng và giới thiệu một số mẫu hợp đồng phổ biến hiện nay.
Hợp đồng đặt cọc và hình thức hợp đồng
1. Hợp đồng đặt cọc là gì? Hình thức của hợp đồng đặt cọc
Hợp đồng đặt cọc là một công cụ pháp lý phổ biến trong các giao dịch dân sự nhằm đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia. Dưới đây là khái niệm cũng như các hình thức của hợp đồng đặt cọc.
1.1 Khái niệm hợp đồng đặt cọc
Căn cứ Điều 292, Bộ Luật dân sự 2015, có tất cả 9 biện pháp mà nhà nước áp dụng để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ trong quan hệ dân sự, bao gồm: Thế chấp tài sản, cầm cố tài sản, cầm giữ tài sản, đặt cọc, ký cược, ký quỹ, bảo lưu quyền sở hữu, tín chấp, và bảo lãnh. Theo đó, hợp đồng đặt cọc là một biện pháp để đảm bảo việc thực hiện nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng.
Căn cứ Khoản 1, Điều 328, Bộ Luật dân sự 2015 đưa ra khái niệm đặt cọc là việc một bên giao cho bên kia một tài sản đặt cọc trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng. Tài sản đó có thể bao gồm: khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác.
Bên giao tài sản cọc gọi là bên đặt cọc (từ đây gọi là bên A), bên nhận cọc là bên nhận tiền từ bên đặt cọc (từ đây gọi là bên B.
1.2 Hình thức của hợp đồng đặt cọc
Pháp luật hiện không quy định cụ thể về nội dung và hình thức văn bản của hợp đồng đặt cọc. Tuy nhiên, trong thực tế, để tránh tranh chấp và làm bằng chứng khi có tranh chấp xảy ra, các bên thường lập hợp đồng đặt cọc bằng văn bản. Hình thức này giúp đảm bảo sự rõ ràng và minh bạch giữa các bên liên quan. Nội dung trong thỏa thuận không được trái với quy định pháp luật và hình thức hợp đồng đặt cọc được thỏa thuận bởi các bên nhưng phải có chữ ký của 2 bên thì mới đảm bảo về mặt pháp lý.
Trong một số trường hợp cụ thể như giao dịch bất động sản, các quy định pháp luật khác yêu cầu hợp đồng phải được lập thành văn bản và có công chứng.
3 trường hợp trong xử lý hợp đồng đặt cọc
2. Quy định của pháp luật về xử lý hợp đồng đặt cọc
Có 3 trường hợp chính về xử lý hợp đồng đặt cọc được quy định tại Điều 328, Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
2.1 Đặt cọc được trả lại
Khoản 2, Điều 328, Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền.
Ví dụ: Vào ngày 20/9/2024, bên A (bên đi mua) đặt cọc bên B (bên bán) số tiền là 50 triệu đồng để mua nhà của bên B. Trong đó, bên B bán nhà cho bên A với mức giá là 500 triệu đồng. Hai bên thỏa thuận sẽ thanh toán tiền mua nhà khi bàn giao nhà vào ngày 30/9. Theo đó, vào ngày 30/9 khi hai bên bàn giao nhà, bên A sẽ phải thanh toán cho bên B số tiền là 500 – 50 = 450 triệu đồng. Hay nói cách khác là số tiền 50 triệu đặt cọc được trả lại cho bên A khi bên A thanh toán cho bên B 500 triệu.
2.2 Bên đặt cọc từ chối giao kết
Trường hợp bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc.
Ví dụ: Ngày 15/9/2024, bên A giao kết hợp đồng đặt cọc với bên B số tiền là 1 triệu đồng để giữ ngôi nhà đó đến ngày 1/10/2024 thì bàn giao. Tuy nhiên, đến ngày 31/8/2024, bên A đổi ý không muốn thuê căn nhà đó nữa, Bên A từ chối việc thực hiện hợp đồng thuê nhà với bên B thì lúc này, tài sản đặt cọc là số tiền 1 triệu đồng thuộc về bên B (tức là bên nhận cọc).
2.3 Trường hợp bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết
Nếu sau thời điểm nhận cọc, bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.
Ví dụ: Ngày 15/9/2024, bên A giao kết hợp đồng đặt cọc với bên B số tiền là 1 triệu đồng để giữ ngôi nhà đó đến ngày 1/10/2024 thì bàn giao. Tuy nhiên, đến ngày 31/8/2024, bên B đổi ý không muốn cho bên A thuê căn nhà đó nữa. Lúc này, bên A được nhận lại tài sản đặt cọc là số tiền 1 triệu đồng và bên B phải đền cho bên A một khoản tiền tương đương, tức là 1 triệu đồng. Tổng cộng, bên B phải trả bên A số tiền là 2 triệu đồng.
3. Mẫu hợp đồng đặt cọc phổ biến hiện nay
Một hợp đồng đặt cọc cần bao gồm những nội dung chính sau để đảm bảo tính pháp lý và minh bạch cho các bên tham gia:
- Thông tin các bên: Họ tên, địa chỉ, số CMND/CCCD hoặc mã số thuế (nếu là tổ chức), thông tin liên hệ của bên đặt cọc và bên nhận đặt cọc.
- Mục đích đặt cọc: Chẳng hạn đặt cọc để mua bán nhà đất, xe cộ, hay các tài sản khác.
- Tài sản đặt cọc: Số tiền, số lượng/ khối lượng/ kích thước và giá trị của tài sản như vàng, xe…
- Giá trị và phương thức đặt cọc: Số tiền hoặc tài sản đặt cọc, cách thức giao nhận tài sản (bằng tiền mặt, chuyển khoản, hay tài sản có giá trị khác).
- Thời gian, địa điểm giao nhận tài sản đặt cọc. Thời gian đặt cọc, thời gian thực hiện hợp đồng chính (mua bán, chuyển nhượng…) và thời gian hoàn thành cam kết.
- Quyền và nghĩa vụ của các bên: Có thể bao gồm việc thanh toán, bồi thường, và các cam kết khác.
- Phương án xử lý khi vi phạm hợp đồng: Ví dụ như trả lại tiền cọc, bồi thường thiệt hại, hoặc các biện pháp pháp lý khác.
- Điều kiện hoàn trả hoặc chuyển nhượng: Quy định về hoàn trả hoặc khấu trừ tài sản đặt cọc nếu hai bên không thể thực hiện hợp đồng chính. Điều này có thể bao gồm việc hoàn trả toàn bộ hoặc một phần tiền cọc.
- Cam kết của các bên: Cả hai bên cam kết về tính chính xác của thông tin, tính tự nguyện khi tham gia hợp đồng và tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận.
- Phương thức giải quyết tranh chấp: Có thể là thông qua thương lượng, hòa giải, hoặc kiện tụng tại tòa án có thẩm quyền.
- Chữ ký của các bên: Hợp đồng phải có đầy đủ chữ ký của hai bên (hoặc dấu pháp nhân nếu là tổ chức) để đảm bảo tính pháp lý.
Tải nhanh:
Mẫu hợp đồng đặt cọc tiền mua hàng
Hợp đồng đặt cọc mua đất, mua nhà
Mẫu hợp đồng đặt cọc giữ chỗ thuê nhà
Như vậy, hợp đồng đặt cọc không chỉ là một công cụ đảm bảo hiệu quả trong các giao dịch dân sự mà còn có những quy định pháp luật cụ thể để bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia. Trên đây là khái niệm, hình thức và các điều khoản pháp lý liên quan đến hợp đồng đặt cọc cũng như mẫu hợp đồng đặt cọc để bạn đọc tham khảo. Hãy tìm hiểu kỹ lưỡng về loại hợp đồng này để tránh được các rủi ro và tranh chấp sau này. Tham khảo thêm thông tin tại https://hoadondientu.edu.vn/
Để lại một phản hồi