Trong hoạt động kinh doanh và pháp lý, bản thỏa thuận hợp tác là công cụ quan trọng giúp các bên tham gia hợp tác đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của mình. Đây không chỉ là một văn bản pháp lý mà còn là cơ sở để xác định sự minh bạch và đồng thuận trong quá trình hợp tác. Vậy bản thỏa thuận hợp tác là gì và nội dung của nó bao gồm những yếu tố nào?
1. Bản thỏa thuận hợp tác là gì?
Bản thỏa thuận hợp tác (hay còn gọi là hợp đồng hợp tác) là một văn bản pháp lý giữa hai hoặc nhiều bên để xác định các quyền và nghĩa vụ khi họ tham gia vào một hoạt động hoặc dự án chung. Bản thỏa thuận này thiết lập các điều khoản về cách thức hợp tác, đóng góp của các bên, lợi ích và trách nhiệm mỗi bên, cũng như cách giải quyết tranh chấp nếu có phát sinh.
Về bản chất, bản thỏa thuận hợp tác không phải là một loại hợp đồng riêng biệt mà là một dạng hợp đồng dân sự có mục đích hợp tác giữa các bên. Các nội dung trong thỏa thuận hợp tác có thể đa dạng tùy thuộc vào phạm vi và mục đích hợp tác, nhưng vẫn phải tuân thủ các nguyên tắc của luật dân sự về hợp đồng.
Ngoài ra, nếu thỏa thuận hợp tác có các yếu tố đặc thù liên quan đến các lĩnh vực như kinh doanh, lao động, đầu tư,… người tham gia có thể phải tuân thủ thêm các quy định riêng của lĩnh vực đó. Chẳng hạn Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Thương mại, hay Luật đấu thầu…
Các nhóm điều khoản cần có trong bản thỏa thuận hợp tác
2. Nội dung của bản thỏa thuận hợp tác
Một số nội dung thường có trong bản thỏa thuận hợp tác bao gồm:
- Thông tin các bên: Chi tiết về các bên tham gia hợp tác, bao gồm tên, địa chỉ và thông tin liên hệ.
- Mục tiêu hợp tác: Xác định rõ mục tiêu của việc hợp tác, dự án hoặc công việc cụ thể mà các bên tham gia.
- Phân chia công việc và trách nhiệm: Quy định rõ trách nhiệm, vai trò của mỗi bên trong quá trình hợp tác.
- Đóng góp và chia sẻ lợi ích: Xác định mức độ đóng góp (về tài chính, tài nguyên, lao động…) của mỗi bên và cách chia sẻ lợi ích (phân chia lợi nhuận, thành quả) từ sự hợp tác.
- Thời hạn hợp tác: Quy định thời gian hiệu lực của thỏa thuận và các điều kiện để gia hạn hoặc chấm dứt hợp đồng.
- Cách giải quyết tranh chấp: Các quy định về cách thức giải quyết tranh chấp nếu có bất đồng xảy ra giữa các bên.
- Bảo mật thông tin (nếu có): Quy định về việc giữ bảo mật các thông tin mà các bên có thể chia sẻ trong quá trình hợp tác.
Trường hợp có hiệu lực và vô hiệu thỏa thuận
3. Điều kiện có hiệu lực và vô hiệu của bản thỏa thuận hợp tác
Dưới đây là 3 điều kiện phải có để bản thỏa thuận hợp tác có hiệu lực cũng như các trường hợp mà bản thỏa thuận này bị vô hiệu.
3.1 Điều kiện để bản thỏa thuận hợp tác có hiệu lực
Căn cứ Điều 117, Bộ Luật dân sự 2015, giao dịch dân sự nói chung hay bản thỏa thuận hợp tác nói riêng có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Người tham gia giao kết thỏa thuận hợp tác cần phải có năng lực pháp luật dân sự và hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự về hợp tác kinh doanh.
- Các bên tham gia thỏa thuận một cách hoàn toàn tự nguyện.
- Mục đích và nội dung của bản thỏa thuận hợp tác không vi phạm những điều mà pháp luật cấm và không trái với đạo đức xã hội.
3.2 Khi nào bản thỏa thuận hợp tác bị vô hiệu
a) Giao dịch dân sự không thỏa mãn điều kiện.
Nếu giao dịch thỏa thuận hợp tác không có một trong các điều kiện được nêu tại Điều 117, Bộ Luật dân sự 2015 thì bị vô hiệu.
b) Bị vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
Dựa trên quy định tại Điều 123, Bộ Luật dân sự 2015, bản thỏa thuận hợp tác có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái với đạo đức xã hội thì vô hiệu.
c) Bị vô hiệu do giả tạo.
Theo quy định tại Điều 124, Bộ Luật dân sự 2015, bản thỏa thuận hợp tác sẽ bị vô hiệu khi:
- Thỏa thuận được thiết lập một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch dân sự khác thì bản thỏa thuận hợp tác này vô hiệu.
- Tạo lập bản thỏa thuận hợp tác giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba/bên thứ 3.
d) Bị vô hiệu do đối tượng giao kết gặp vấn đề về hành vi, nhận thức.
Căn cứ quy định tại Điều 125, Bộ Luật dân sự 2015, bản thỏa thuận hợp tác sẽ bị vô hiệu nếu được tạo lập, thực hiện bởi người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
đ) Bị vô hiệu do có nhầm lẫn.
Dựa trên quy định tại Điều 126, Bộ Luật dân sự 2015, thỏa thuận hợp tác vô hiệu nếu bị nhầm lẫn:
- Nếu bản thỏa thuận được tạo lập có sự nhầm lẫn khiến cho một hoặc các bên không đạt được mục đích của việc hợp tác thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tuyên bố bản thỏa thuận hợp tác là vô hiệu tới Tòa án.
- Tuy nhiên, nếu các bên đã đạt được mục đích của việc tạo lập bản thỏa thuận hợp tác hoặc có thể khắc phục ngay sự nhầm lẫn để đạt được mục đích của bản thỏa thuận hợp tác thì bản thỏa thuận hợp tác không bị vô hiệu.
e) Bị vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
Theo quy định tại Điều 127, Bộ luật dân sự 2015: khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
f) Bị vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi.
Điều 128, Bộ luật dân sự 2015 có quy định như sau: người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã thực hiện lập bản thỏa thuận hợp tác vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố vô hiệu bản thỏa thuận hợp tác đó.
Lưu ý: Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về hình thức của bản thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia cũng như tránh tranh chấp sau này, các bên nên tạo bản thỏa thuận hợp tác bằng văn bản và công chứng đầy đủ như những loại giấy tờ quan trọng khác.
Tóm lại, bản thỏa thuận hợp tác đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng lòng tin và đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia. Tuy nhiên, để tránh các tranh chấp và đảm bảo tính pháp lý, các bên cần tuân thủ đúng quy định pháp luật và đảm bảo thỏa thuận được lập một cách minh bạch, rõ ràng. Việc hiểu rõ về điều kiện hiệu lực và các yếu tố có thể làm vô hiệu bản thỏa thuận sẽ giúp các bên hợp tác một cách hiệu quả và an toàn hơn trong mọi hoạt động. Tham khảo thêm nhiều thông tin tại https://hoadondientu.edu.vn/
Để lại một phản hồi