Triển khai hóa đơn điện tử với mặt hàng xăng dầu phải có sự đồng bộ mới khả thi

Việc thí điểm triển khai hóa đơn điện tử tại Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên, có nhận định cho rằng hoá đơn điện tử xăng dầu chỉ khả thi khi có sự đồng bộ.

hoa-don-dien-tu

Phó Tổng GIám đốc Petrolimex Trần Ngọc Năm.

Chủ trương dùng hoá đơn điện tử và kết nối dữ liệu trong kinh doanh xăng dầu với Tổng cục Thuế đang triển khai thí điểm tại Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) được kỳ vọng sẽ mang lại lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Ngọc Năm xung quanh vấn đề này.

Phóng viên: Xin ông cho biết, chủ trương kết nối thông tin với doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu và sử dụng hóa đơn điện tử xăng dầu đối với các hoạt động bán lẻ của Tổng Cục Thuế sẽ mang lại lợi ích gì cho các doanh nghiệp, trong đó có Petrolimex?

Ông Trần Ngọc Năm: Từ góc độ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, việc sử dụng hoá đơn điện tử sẽ mang lại cho doanh nghiệp một số lợi ích như: Tiết giảm chi phí in ấn hóa đơn; việc bảo quản hoá đơn điện tử xăng dầu cũng thuận tiện, đơn giản và không phải mất nhiều cơ sở vật chất về kho, tủ, chi phí lao động như việc bảo quản hoá đơn in giấy.

Dùng hoá đơn điện tử cũng đảm bảo an toàn cho việc lưu trữ thông tin, khắc phục tình trạng bị mất mát hoá đơn trong quá trình vận chuyển, lưu trữ hoặc mua bán hóa đơn như đã diễn ra.

Đặc biệt, khi triển khai hoá đơn điện tử, cả cơ quan quản lý thuế, doanh nghiệp đều có thể truy cập nhanh chóng vào cổng thông tin xăng dầu của doanh nghiệp để tra cứu tất cả thông tin mua vào, bán ra nên sẽ giúp cả hai phía thuận tiện trong việc kiểm soát, đối soát dữ liệu.

Đồng thời sử dụng hoá đơn điện tử cũng giúp cho việc khai thác có hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đảm bảo phù hợp với xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Phóng viên: Việc triển khai hoá đơn điện tử bán lẻ xăng dầu được kỳ vọng sẽ minh bạch hoá hoạt động kinh doanh, ngăn chặn việc kinh doanh xăng dầu lậu ngoài luồng của một số doanh nghiệp, từ đó giúp chống thất thu thuế cho nhà nước. Quan điểm của Tập đoàn về vấn đề này như thế nào?

Ông Trần Ngọc Năm: Trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thì bán lẻ tại các c ột bơm /cửa hàng xăng dầu chỉ là một phương thức bán hàng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp còn có phương thức bán trực tiếp tại kho cho các khách mua buôn trực tiếp hay cho các tổ chức thương mại trung gian như thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhượng quyền.

Ví dụ như ở Petrolimex, phương thức bán lẻ xăng dầu chiếm 60% và các phương thức khác chiếm khoảng 40%.

Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất để chống buôn lậu xăng dầu là cơ quan quản lý phải giám sát được toàn bộ giao dịch mua vào, xuất ra của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu không chỉ qua cột bơm mà qua cả các phương tiện đo lường khác .

Việc giám sát này sẽ thực hiện được khi có sự kết nối tự động tất cả các thông tin mua vào, bán ra của doanh nghiệp hay nói cách khác đó là việc ứng dụng tự động hóa để khi nhận tất cả các thông tin của từng giao dịch từ phương tiện đo lường, bể chứa vào hệ thống thông tin quản trị doanh nghiệp thông qua một giải pháp phần mềm nào đó và được kết nối trực tiếp với cơ quan hải quan hay cơ quan thuế.

hoa-don-dien-tu-xang-dau

Cuộc họp triển khai thí điểm dùng hoá đơn điện tử của Petrolimex ngày 12/5/2017.

Phóng viên: Xin ông cho biết công tác triển khai thí điểm chủ trương sử dụng hoá đơn điện tử tại Petrolimex? Đến khi nào thì khách hàng có thể tra cứu thông tin qua mạng giống như tra cứu hoá đơn tiền điện, hoá đơn dịch vụ viễn thông thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: Petrolimex đã có kế hoạch đầu tư khoảng 30 tỷ đồng để hiện thực hóa chủ trương dùng hóa đơn điện tử xăng dầu.

Petrolimex cũng đã lựa chọn nhà thầu cung cấp giải pháp là liên danh VNPT-Vinaphone-Dakta.
Dự kiến trong quý IV/2017, Petrolimex thực hiện thí điểm tại Công ty mẹ Tập đoàn và 3 công ty thành viên gồm: Công ty Xăng dầu B12 (119 cửa hàng nằm ở Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên), Công ty Xăng dầu Tây Nam Bộ (79 cửa hàng) và Công ty Xăng dầu Hà Sơn Bình (94 cửa hàng).

Ba công ty thành viên đươc chọn là 3 công ty có khối lượng khách hàng khá lớn và đại diện cho các vùng miền mà Petrolimex đang tổ chức hoạt động kinh doanh. Theo đó, khách hàng và cơ quan quản lý có thể truy cập thông tin hóa đơn điện tử thông qua cổng thông tin xăng dầu Petrolimex ngay sau khi Petrolimex triển khai.

Đến đầu năm 2018, Tập đoàn tiếp tục triển khai ở 18 công ty thành viên khác và giai đoạn 3 thực hiện nốt ở các công ty còn lại.

Tập đoàn chúng tôi phải chia ra các giai đoạn để sau khi triển khai thí điểm có thể đánh giá các tác động thực tế, từ đó rút kinh nghiệm để có thể triển khai thành công trên toàn bộ các cửa hàng xăng dầu Petrolimex.

Phóng viên: Xin ông cho biết việc sử dụng hoá đơn điện tử xăng dầu triển khai thí điểm tại Petrolimex sẽ gặp phải những khó khăn gì? Chủ trương này liệu có khả thi khi triển khai ở tất cả các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ở Việt Nam không thưa ông?

Ông Trần Ngọc Năm: Việc thí điểm chuyển từ hình thức in hoá đơn sang dùng hoá đơn điện tử cũng có những khó khăn nhất định. Đầu tiên là việc Petrolimex phải tốn chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng, giải pháp để triển khai được chủ trương này.

Bên cạnh đó, chủ trương này đòi hỏi cả việc kết nối thông tin cột bơm xăng dầu tại các cửa hàng trong hệ thống Petrolimex với cổng thông tin xăng dầu.

Vì vậy, các cột bơm đầu tư phải đạt chuẩn nhất định mới có thể kết nối các thông tin từ cột bơm vào hệ thống quản lý của doanh nghiệp thông qua giải pháp tự động hóa được.

Thực tế cả nước đến thời điểm hiện nay có gần 14 .000 cửa hàng kinh doanh xăng dầu thuộc các doanh nghiệp khác nhau với rất nhiều chủng loại cột bơm khác nhau. Theo tôi được biết thì không phải tất cả các cửa hàng này đều có cột bơm xăng đạt tiêu chuẩn để kết nối tự động.

Vì vậy , việc triển khai hoá đơn điện tử này sẽ chỉ thực hiện được khi các doanh nghiệp đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cột bơm. Điều này đòi hỏi chi phí vốn đầu tư rất lớn. Đồng thời, chủ trương này chỉ có thể khả thi khi có quy định pháp lý yêu cầu tất các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu triển khai đồng bộ.

Đặc biệt, việc sử dụng hoá đơn điện tử xăng dầu cũng cần sự đồng thuận nhất trí từ doanh nghiệp, người mua và cả các cơ quan quản lý.

Hiện Nhà nước chỉ quy định mỗi một giao dịch chỉ được sử dụng một loại hoá đơn, nếu lấy hóa đơn điện tử thì không sử dụng hoá đơn tự in hoặc đặt in và ngược lại. Vì vậy, nếu người mua vẫn yêu cầu xuất hoá đơn in giấy như trước đây thì chủ trương này sẽ khó đạt được mục tiêu.

Ngoài ra, việc phát hành hóa đơn điện tử chỉ có thể thực hiện được khi nhập liệu đầy đủ thông tin cơ bản theo qui định của nhà nước về việc quản lý, sử dụng hóa đơn. Trong khi đó, có một thực tế là chủ phương tiện xe máy mua xăng dầu với giao dịch nhỏ thường không có nhu cầu lấy hóa đơn hoặc nếu tất cả khách hàng xe máy yêu cầu lấy hóa đơn thì doanh nghiệp cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn bởi số lượng giao dịch quá nhiều.

Tin liên quanPhần mềm hóa đơn điện tử

Hóa đơn điện tử Einvoice

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*