Với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị được giao, Cục Thuế Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và gặt hái được nhiều thành công. Tháng 11/2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng, đạt 106% dự toán phấn đấu, tăng 56% so với cùng kỳ.
Năm 2016, nền kinh tế phục hồi và tăng trưởng chậm, một số ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trong tỉnh còn nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hiệu quả của doanh nghiệp và công tác thu ngân sách trên địa bàn. Nhưng dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, sự phối hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự cố gắng, nỗ lực của cán bộ, công chức, người lao động trong toàn ngành Thuế Ninh Bình đã giúp tỉnh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu ngân sách.
Tính đến hết tháng 11/2016, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 5.000 tỷ đồng, đạt 106% dự toán phấn đấu, tăng 56% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (do ngành Thuế và các đơn vị liên quan đảm nhận) được trên 3.612 tỷ đồng, đạt 91% dự toán, tăng 40% so với cùng kỳ. Thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu (do cơ quan Hải quan đảm nhận) được trên 1.469 tỷ đồng, đạt 184% dự toán, tăng 120% so với cùng kỳ. Nhiều Chi cục Thuế trong tỉnh đã hoàn thành sớm tổng dự toán thu.
Tuy vậy, với mục tiêu phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ chính trị được giao, Cục Thuế Ninh Bình đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ. Theo đó, ngành Thuế tiếp tục triển khai mạnh mẽ các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, tranh thủ sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn triển khai quyết liệt các giải pháp:
Về thu ngân sách Nhà nước: Tập trung cao nhất cho nhiệm vụ thu ngân sách. Toàn ngành đang nỗ lực cao cho chặng “về đích”; khai thác triệt để các nguồn thu, hoàn thành cao nhất chỉ tiêu phấn đấu tỉnh giao.
Đẩy mạnh và nâng cao công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế theo phương thức hiện đại, đảm bảo hình thức đa dạng; tập trung tuyên truyền một số chính sách thuế mới bắt đầu thực hiện từ 1-1-2017 (như: lệ phí môn bài, lệ phí trước bạ…) với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; kết hợp với lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người nộp thuế để giải đáp những khó khăn, vướng mắc kịp thời, hiệu quả.
Phối hợp tốt với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính xác số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích. Tập trung rà soát, đôn đốc việc kê khai, nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, phát hiện kịp thời các trường hợp kê khai không đúng, không đủ số thuế phải nộp vào ngân sách nhà nước để có biện pháp đôn đốc thu nộp kịp thời. Thực hiện giải quyết hồ sơ hoàn thuế chặt chẽ, đúng quy định, đảm bảo thực hiện chi hoàn thuế GTGT thực hiện theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu ngân sách ở tất cả các thành phần kinh tế, phấn đấu hoàn thành kế hoạch Tổng cục Thuế giao và đạt mức tối thiểu số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế vào diện thanh tra, kiểm tra theo quy định.
Đẩy mạnh đôn đốc, cưỡng chế nợ thuế theo đúng thủ tục, trình tự quy định của pháp luật. Thực hiện rà soát, phân loại nợ; giao chỉ tiêu thu nợ hàng tháng cho từng bộ phận, từng cán bộ để phân tích, đánh giá và đề xuất các biện pháp thu nợ và cưỡng chế nợ thuế. Tiếp tục phối hợp với các đoàn kiểm tra đôn đốc nợ liên ngành của tỉnh đẩy mạnh việc thu hồi nợ thuế, đảm bảo giảm số nợ thuế theo tiêu chí xây dựng của Tổng cục Thuế.
Chỉ đạo các đơn vị trong ngành triển khai cụ thể việc giao dự toán năm 2017 cho các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp theo chỉ đạo của Tổng cục Thuế và UBND tỉnh. Phát động và đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu được giao. Thường xuyên theo dõi tình hình kinh tế – xã hội và những nhân tố ảnh hưởng đến tình hình thu ngân sách trên địa bàn, tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền UBND tỉnh nhằm tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện tốt nhất phục vụ người nộp thuế.
Hiện đại hoá công tác quản lý thuế gắn với cải cách thủ tục hành chính: Xây dựng chương trình thời gian cụ thể, cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý và tổ chức phối hợp chặt chẽ với các đơn vị có liên quan đảm bảo hoàn thành các chương trình công tác đúng tiến độ. Rà soát các chính sách thuế, phí, lệ phí đã ban hành để phát hiện những nội dung không còn phù hợp, đề xuất cấp có thẩm quyền quy định mới hoặc sửa đổi, bổ sung.
Tiếp tục thực hiện chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020 và lộ trình cải cách 2016-2020 theo đúng kế hoạch và chương trình; chủ động phối hợp với các Sở, Ngành trong tỉnh nghiên cứu tháo gỡ các khó khăn vướng mắc tìm tiếng nói chung về thủ tục hành chính liên quan phục vụ người nộp thuế.
Việc nộp thuế điện tử, hiện nay Ninh Bình đã thực hiện: Tổng chứng từ nộp thuế điện tử, đạt 84%/tổng chứng từ nộp ngân sách; số tiền nộp điện tử đạt 96%/tổng số tiền nộp ngân sách. Tuy vậy cần tiếp tục duy trì việc kê khai hóa đơn điện tử và nộp thuế điện tử, phấn đấu 100% doanh nghiệp, HTX và vận động các đơn vị hành chính sự nghiệp khai, nộp thuế điện tử.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý và vận hành tốt ứng dụng phục vụ công tác quản lý thuế và các chuyên môn, nghiệp vụ của ngành nhằm ngày càng nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế trên mọi mặt. Tổ chức thực hiện các nội dung về thuế điện tử như: hóa đơn điện tử; kê khai và nộp thuế qua mạng đối với khoản thu từ đất, lệ phí trước bạ và thuế hộ kinh doanh; ứng dụng trao đổi thông tin với cơ quan Hải quan, cơ quan Tài chính; cơ quan Tài nguyên môi trường; hoàn thuế GTGT qua mạng.
Làm tốt công tác nội ngành, quan tâm, động viên đến đời sống của người lao động; thực hiện tốt chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng chống lãng phí, thực hành tiết kiệm trong cơ quan Thuế. Tăng cường công tác kiểm tra nội bộ nhằm phát hiện, uốn nắn sai sót và phát hiện nhân tố mới, cách làm hay, sáng tạo của cán bộ, công chức cơ sở để nhân rộng, phổ biến trong toàn ngành thực hiện.
Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ việc sắp xếp tổ chức bộ máy, luân phiên luân chuyển, điều động cán bộ, công chức. Tập trung triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ toàn ngành, tổ chức sát hạch, kiểm tra, đánh giá chất lượng cán bộ.
Thực hiện tốt công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, tài sản và tài chính nội ngành, phát huy tốt việc thực hiện quy chế dân chủ trong cơ quan. Duy trì tốt các hoạt động của các đoàn thể, tạo không khí vui tươi phấn khởi, đoàn kết, cùng nhau thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác thuế được giao.
Tin liên quan:
Để lại một phản hồi