Mục tiêu phủ sóng hoá đơn điện tử có thể sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến

Kể từ khi Nghị định 119/2018/NĐ-CP được ban hành, song song thuận lợi có, khó khăn có, nhưng nhìn chung với những lợi ích to lớn mà hoá đơn điện tử mang lại, mục tiêu “phủ sóng” HĐĐT đến năm 2020 của Chính phủ có thể sẽ hoàn thành sớm hơn dự kiến.

Hoá đơn điện tử nhận được sự ủng hộ của doanh nghiệp

Tại Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019, ngoài những mục tiêu cần tập trung trong năm 2019 như tập trung cải thiện môi trường, đầu tư, kinh doanh, phát triển kinh tế theo mục tiêu Chính phủ đặt ra, yêu cầu mở rộng hoá đơn điện tử tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành trong năm 2019, nhằm chống thất thu, chuyển giá, lậu thế… là một trong số các giải pháp trọng điểm của Chính phủ đề ra.

Đánh giá tình hình thực hiện áp dụng HĐĐT cho doanh nghiệp tại các địa phương thuộc 2 thành phố trọng lớn kể trên đều đã có những kết quả khả quan.. Qua khảo sát, hầu hết các địa phương đều đã có doanh nghiệp sử dụng HĐĐT, và phản hồi của các doanh nghiệp cũng hết sức tích cực khi đa số đều đánh giá cao tính ưu việt của HĐĐT đối với hoạt động của doanh nghiệp.

muc-tieu-phu-song-hoa-don-dien-tu-co-se-hoan-thanh-som-hon-du-kien-1

Có thể lấy ví dụ như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có số lượng hóa đơn trung bình sử dụng mỗi tháng là 23,6 triệu, tương đương khoảng 283 triệu hóa đơn/năm. Chi phí hóa đơn tự in (chưa tính phần quản lý, lưu kho) khoảng 420 đồng/hóa đơn. Trong khi đó, chi phí HĐĐT (đã tính chi phí quản lý, lưu trữ) chỉ khoảng 292 đồng/hóa đơn. So sánh như vậy để thấy rằng, với việc sử dụng HĐĐT, EVN tiết kiệm được gần 130 đồng/hóa đơn so với hóa đơn giấy và giúp EVN tiết kiệm được chi phí hơn 3 tỷ đồng/tháng, khoảng 36 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh các doanh nghiệp lớn đã tiên phong trong việc áp dụng HĐĐT, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã bắt đầu chuyển đổi sang sử dụng hoặc chưa chính thức sử dụng nhưng đã bắt đầu tìm hiểu và ủng hộ nhiệt tình ứng dụng này của ngành Thuế.

Theo các chuyên gia khuyến nghị, khi HĐĐT trở thành xu hướng phải thay đổi, doanh nghiệp dù lớn nhỏ không nên chờ đến khi “bắt buộc phải sử dụng” mới bắt đầu áp dụng, mà nên chuyển ngay từ hoá đơn giấy sang HĐĐT càng sớm càng tốt. Bởi 2 điều: Thứ nhất việc làm quen với phương thức, quy trình mới sẽ cần thời gian để làm quen và hoàn thiện, việc bắt nhịp sớm sẽ giúp doanh nghiệp tránh khỏi bỡ ngỡ khi đi vào khuôn phép của Chính phủ. Thứ hai, theo Nghị định 119, từ ngày 1/11/2018 đến 1/11/2020 tất cả các đối tượng phải chuyển sang sử dụng HĐĐT.  Để đảm bảo lộ trình trên, những doanh nghiệp đã thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử nên sớm triển khai áp dụng hình thức HĐĐT để tránh được những rủi ro sau này khi triển khai đồng loạt mà doanh nghiệp chưa ký được hợp đồng với nhà cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

muc-tieu-phu-song-hoa-don-dien-tu-co-se-hoan-thanh-som-hon-du-kien-2

Hộ kinh doanh không né tránh

Khi thông tin về việc áp dụng HĐĐT được tuyên truyền rộng rãi, phần đông các hộ kinh doanh tỏ ra khá e ngại, bởi họ lo sợ HĐĐT sẽ phức tạp, tốn kém và ảnh hưởng tới công việc kinh doanh của họ.

Tuy nhiên, theo quy định hộ kinh doanh có thể áp dụng 2 loại HĐĐT. Loại thứ nhất là những hộ lớn có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, họ tự khởi tạo HĐĐT. Nhóm khác là các hộ nhỏ không có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng vẫn có thể sử dụng HĐĐT bằng cách đến cơ quan thuế để nhờ cơ quan thuế khởi tạo HĐĐT cấp cho hộ kinh doanh (HĐĐT có mã xác thực của cơ quan thuế). Tổng cục Thuế khuyến nghị các hộ kinh doanh không nên e ngại.

Hiện nay, HĐĐT ngày càng được áp dụng rộng rãi nhằm mang lại tiện ích cho người sử dụng. Hầu hết các quốc gia đều triển khai HĐĐT vào cả khu vực công và tư với mục tiêu thúc đẩy thương mại điện tử. Nhìn chung, tại các quốc gia này, đối tượng áp dụng HĐĐT chủ yếu là doanh nghiệp, người bán hàng, dịch vụ và nhà cung cấp. Việc lập HĐĐT được áp dụng cho các đối tượng giao dịch B2G (giữa doanh nghiệp và Chính phủ), B2B (giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp), B2C (giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân).

muc-tieu-phu-song-hoa-don-dien-tu-co-se-hoan-thanh-som-hon-du-kien-4

Trong khi đó, ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, việc áp dụng HĐĐT đang ở các giai đoạn khác nhau, mục đích là tạo điều kiện cho việc tuân thủ pháp luật thuế và cải thiện số thu thuế. Tại Trung Quốc, cùng với việc cải cách quản lý thuế, cơ quan chức năng đã điện tử hóa con dấu, chữ ký và hóa đơn thông qua công cụ xác nhận danh tính giúp đảm bảo độ chính xác về thông tin. Việc này giúp cơ quan thuế có thể giám sát tức thì thay vì giám sát hậu kỳ như trước đây. Cho đến nay, Trung Quốc áp dụng HĐĐT cho tất cả các doanh nghiệp. Mỗi hóa đơn đều có mã QR, con dấu của cơ quan thuế và hệ thống mã ký hiệu dùng để quét thông tin trên từng hóa đơn. Thông qua HĐĐT, cơ quan thuế có thể kiểm tra được lượng hàng tồn kho của DN. Theo lộ trình, Trung Quốc đang thực hiện xây dựng Cục Thuế điện tử nhằm thực hiện chiến lược số hóa quốc gia.

Còn ở Singapore, ngay từ năm 2003 đã áp dụng HĐĐT. Theo đó, doanh nghiệp có thể phát hành HĐĐT mà không cần sự chấp thuận trước của cơ quan thu nội địa (IRAS), nhưng phải tuân thủ hướng dẫn lưu giữ hồ sơ đăng ký. Doanh nghiệp cũng có thể thuê bên thứ ba tạo HĐĐT và tín dụng điện tử.

Mỗi quốc gia có những cách thức lập HĐĐT riêng nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế và cơ quan Thuế.

muc-tieu-phu-song-hoa-don-dien-tu-co-se-hoan-thanh-som-hon-du-kien-3

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*