Mặc dù tiện lợi nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ với hóa đơn điện tử

Mặc dù tiện lợi nhưng doanh nghiệp vẫn thờ ơ với hóa đơn điện tử, đó là thực trạng đáng quan ngại nhất hiện nay mà các cơ quan đang đau đầu tìm hướng giải quyết.

Luật sư Nguyễn Tri Thắng, Chủ nhiệm CLB Hỗ trợ Pháp lý Doanh nghiệp, cho biết chủ trương áp dụng hóa đơn điện tử là hoàn toàn đúng, phù hợp tình hình công nghệ 4.0, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại.

Hiện tại, hóa đơn điện tử được sử dụng rộng rải ở các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hầu hết tại các vùng có hệ thống mạng internet hoàn chỉnh, doanh nghiệp có bộ máy kế toán hoàn chỉnh và hiểu biết về internet. Đây là hình thức hóa đơn ưa dùng ở các doanh nghiệp trẻ, thành thạo về công nghệ và có khả năng minh bạch thông tin thuế.

doanh-nghiep-tho-o-voi-hoa-don-dien-tu-2

Thế giới Di động là doanh nghiệp áp dụng hóa đơn điện tử khá sớm.

Trong các công ty hàng đầu Việt Nam, Thế giới Di động là một trong những doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử sớm nhất. Theo tiết lộ từ người đại diện Thế giới Di động, họ áp dụng thí điểm hóa đơn điện tử từ tháng 5/2015 và chính thức triển khai trên toàn hệ thống từ 1/7/2015. Thế giới Di động đã mạnh dạn chuyển sang hóa đơn điện tử do nhận thấy tiết kiệm thời gian của khách hàng cũng như thao tác của nhân viên, thuận tiện cho việc lưu trữ vừa nhanh vừa gọn.

Cụ thể, in hóa đơn điện tử bằng in kim trước đây phải mất khoảng 20 giây, dùng hóa đơn điện tử in biên nhận (bằng máy in nhiệt) chỉ mất khoảng 3-4 giây. Ngoài ra, công ty còn giảm chi phí in ấn, giấy tờ, lưu trữ và vận chuyển hóa đơn giấy về phòng kế toán. Khó khăn duy nhất của dùng hóa đơn điện tử là phải đảm bảo an toàn cho việc lưu trữ file mềm. Nhưng so với ích lợi mà hóa đơn điện tử mang lại thì khó khăn đó không đáng kể.

Ích lợi nhiều là thế, nhưng theo ông Thắng, muốn chuyển sang hẳn hóa đơn điện tử không phải là điều dễ dàng, nhất là ở các doanh nghiệp có quy mô lớn.

“Để có thể chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, cần phải thỏa các điều kiện sau: Quyết tâm của lãnh đạo doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu công nghệ hiện đại và minh bạch hóa thông tin. Trình độ công nghệ máy tính của công ty phải hiện đại. Mạng internet và đường truyền luôn trong tình trạng mạnh mẽ, thông suốt. Có nhân lực hiểu biết về công nghệ và kế toán. Phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán tương thích, có thể kết nối dữ liệu với phần mềm hóa đơn điện tử. Cuối cùng là khả năng và nhu cầu minh bạch hóa thông tin thuế của DN”, ông Thắng nói.

Nếu doanh nghiệp phân phối hàng hoá, có số lượng điểm bán hàng nhiều, số lượng hàng hóa lớn, nhân sự không ổn định, trình độ kế toán không đồng đều, số lượng hàng mua trực tiếp không có hóa đơn đầu vào lớn… thì việc sử dụng hóa đơn điện tử cần quyết tâm lớn của lãnh đạo doanh nghiệp mới có thể thành công.

Sở dĩ đến thời điểm này, Coopmart vẫn chưa chuyển sang dùng hóa đơn điện tử là vì vướng mắc một vài điều trên. “Vì hệ thống của chúng tôi quá rộng nên chưa thể áp dụng được. Chúng tôi vẫn đang đầu tư hệ thống và chuẩn bị cơ sở hạ tầng kỹ rồi mới có thể chuyển sang dùng hóa đơn điện tử. Hiện tại, hệ thống của Coopmart đang phục vụ chính cho việc thanh toán hàng hóa. Khối lượng giao dịch hàng ngày của chúng tôi rất lớn, rất nặng”, đại diện của Coopmart cho biết.

Tất nhiên, Bộ Tài chính cũng nhận ra những khó khăn đó của các doanh nghiệp. Nên theo ông Thắng, Bộ Tài chính sẽ không ép doanh nghiệp phải ngay lập tức sử dụng hóa đơn điện tử vào đầu năm 2018 mà chỉ khuyến khích, vận động doanh nghiệp áp dụng.

“Sử dụng hóa đơn điện tử là việc thay đổi căn bản phương thức thực hiện thủ tục quản lý thuế, từ phương thức truyền thống, bán điện tử sang phương thức điện tử. Do đó, cần thiết áp dụng. Tuy nhiên, cũng cần theo lộ trình phù hợp với tiến bộ công nghệ mạng, đường truyền của cơ quan thuế, của nghành công nghệ thông tin… Bên cạnh đó, cũng cần phù hợp với sự hoàn thiện của Trung tâm xử lý dữ liệu trong giao dịch điện tử cũng như sự đồng bộ, gia tăng dịch vụ, giá phí của các nhà T-van (Đơn vị cung cấp phần mềm hóa đơn điện tử). Ngoài ra, đối với những đối tượng không thường xuyên kê khai, nộp thuế (ví dụ nộp lệ phí trước bạ, các khoản thu về đất đai…) thì không cần thiết phải sử dụng hóa đơn điện tử mà áp dụng hình thức ký xác nhận đơn giản và tiết kiệm hơn”, ông Thắng kết luận.

Đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử từ đầu năm 2018 bao gồm:

– Doanh nghiệp đã và đang áp dụng hóa đơn điện tử.

– Doanh nghiệp hoạt động bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử, có phần mềm bán hàng, phần mềm kế toán, có thể kết chuyển dữ liệu…

– Doanh nghiệp có đủ điều kiện sử dụng hóa đơn điện tử.

– Doanh nghiệp mới thành lập đủ điều kiện áp dụng hóa đơn điện tử, không lựa chọn mua hóa đơn đặt in của cơ quan thuế.

(Nguồn: theleader.vn)

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*