Phản hồi ý kiến doanh nghiệp về hóa đơn điện tử phải có chữ ký của khách hàng mới được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, không nhất thiết phải có chữ ký của người mua hàng trên hóa đơn.
Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) cho biết, căn cứ vào các quy định tại Nghị định 51/2010/NĐ-CP, khi lập hóa đơn trong buôn bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, nhiều trường hợp không nhất thiết phải có chữ ký của người mua. Bà Hà cũng cho biết thêm rằng Bộ Tài chính đã có Công văn số 2402/BTC-TCT trả lời thắc mắc của doanh nghiệp trước đây.
Cũng theo bà Hà, hiện Thông tư hướng dẫn Nghị định 119/2018/NĐ-CP về hóa đơn điện tử đang được gấp rút hoàn thành. Vừa qua, Bộ Tài chính đã đăng tải dự thảo Thông tư lên cổng thông tin nhằm tham khảo ý kiến của người dân cũng như các bộ ngành khác. Nội dung trong dự thảo cho biết, chỉ một số trường hợp đặc biệt mới yêu cầu chữ ký của người mua, còn lại phần lớn là không bắt buộc.
Hóa đơn điện tử không nhất thiết phải có chữ ký người mua trong đa số trường hợp
“Với các trường hợp cung cấp hàng hóa dịch vụ giữa các doanh nghiệp với nhau; hoặc hóa đơn có giá trị lớn, cả hai bên đều có hạ tầng công nghệ thông tin đảm bảo tương thích nhau thì người mua họ có nhu cầu ký chữ ký số trên hóa đơn. Do đó, tại dự thảo thông tư có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp này. Còn lại, đa số các trường hợp không cần thiết người mua phải có chữ ký mới được tính chi phí được trừ và khấu trừ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)” – bà Hà cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, việc quy định các trường hợp hóa đơn điện tử phải có đủ chữ ký của bên bán và bên mua dựa vào nghiên cứu thông lệ quốc tế của Tổng cục Thuế. Ví dụ, trong trường hợp hóa đơn điện tử có giá trị lớn, được doanh nghiệp chuyển cho ngân hàng làm thế chấp vay vốn thì nhất định trên hóa đơn phải có đủ chữ ký số của cả bên bán và bên mua.
Hoặc nếu thanh toán qua ngân hàng thì bắt buộc bên mua và bên bán đều phải ký vào hóa đơn điện tử. Theo nghiên cứu về sử dụng hóa đơn điện tử tại các nước khác của Tổng cục thuế, việc bắt buộc chữ ký của bên bán và bên mua đảm bảo được sự chặt chẽ cũng như hạn chế tối đa sai sót trên hóa đơn.
“Tại Đức, các ngân hàng có phần mềm tạo hóa đơn điện tử, bên bán và bên mua có thể khởi tạo hóa đơn điện tử trên ứng dụng của ngân hàng, ngân hàng là bên trung gian thẩm định tính hợp pháp của hóa đơn điện tử và thực hiện thanh toán qua ngân hàng. Với trường hợp này thì nhất thiết phải có chữ ký số hai đầu” – bà Hà nói.
Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 đang được gấp rút hoàn thiện
Trong Dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 119 có quy định một số trường hợp bắt buộc và không bắt buộc phải có chữ ký với người mua hàng. Chẳng hạn, nếu cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng không qua website và hệ thống thương mại điện tử thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người bán và người mua, mã số thuế người mua, số lượng, đơn vị tính, thuế suất thuế GTGT, ký hiệu, ký hiệu mẫu, số thứ tự của hóa đơn.
Được biết Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 đang được hoàn thành và sẽ sớm ban hành trong thời gian tới.
Để lại một phản hồi