Phủ sóng 100% hóa đơn điện tử tại Hà Nội, TPHCM và các thành phố lớn khác trong năm 2019 là mục tiêu quan trọng theo Nghị quyết 01/NQ-CP. Tuy nhiên việc áp dụng hóa đơn điện tử ở thời điểm hiện tại vẫn còn rất nhiều vướng mắc.
5 tháng chưa có hướng dẫn
Tính tới thời điểm hiện tại, đã hơn 5 tháng kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ được chính thức đi vào hiệu lực. Tuy nhiên Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 vẫn chưa được hoàn thành.
Nhiều doanh nghiệp thể hiện sự bức xúc khi hiện nay đã là 2019 nhưng việc đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử vẫn phải thực hiện theo thông tư 32 cách đây 8 năm. Theo đó, muốn được khởi tạo hóa đơn điện tử, doanh nghiệp phải đáp ứng nhiều điều kiện như địa điểm, đường truyền tải thông tin, mạng, thiết bị truyền tin…. Tuy nhiên thực tế có đến 80-90% doanh nghiệp đang hoạt động có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, thậm chí chỉ có vài nhân sự, không thể đáp ứng đủ các điều kiện trên để sử dụng hóa đơn điện tử.
Nhiều vướng mắc
Một số vấn đề khác cũng khiến nhiều doanh nghiệp trăn trở là dù sử dụng hóa đơn điện tử nhưng trong một số trường hợp vẫn yêu cầu chữ ký người mua hay ngày khởi tạo và ngày phát hành hóa đơn khác nhau có khiến hóa đơn không hợp lệ hay không, ngày khai thuế là ngày khởi tạo hay xuất hóa đơn…
Do chưa có quy định rõ ràng, nhiều doanh nghiệp cũng phải in thêm hóa đơn giấy chuyển đổi từ hóa đơn điện tử để đảm bảo việc vận chuyển hàng hóa không gặp tình trạng chậm lưu thông do sự cố đường truyền mạng, thiết bị khiến cơ quan chức năng không tra cứu được thông tin.
Việc áp dụng hóa đơn điện tử vẫn còn tồn tại nhiều bất cập
Nhiều doanh nghiệp hy vọng Thông tư hướng dẫn sẽ giải quyết điều này, nhưng trên thực tế khi nghiên cứu dự thảo Thông tư, vấn đề này vẫn chưa được giải quyết triệt để. Chẳng hạn, theo dự thảo, với trường hợp sử dụng hóa đơn điện tử, khi cần kiểm tra hàng, người có thẩm quyền sẽ phải truy cập cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế để tra cứu thông tin. Tuy nhiên trong trường hợp không truy cập được và cũng không có hóa đơn giấy chuyển đổi thì dự thảo hướng dẫn tiếp tục truy cập cổng thông tin để tra cứu, một điều hết sức vô lý.
Bên cạnh đó, quy định của mỗi cơ quan thuế tại các địa phương khác nhau, dẫn đến sự thiếu nhất quán, khó khăn cho người sử dụng hóa đơn điện tử
Khó hoàn thành mục tiêu
TP.HCM hiện có gần 236.000 DN đang hoạt động nhưng số lượng đã áp dụng hóa đơn điện tử chưa nhiều. Muốn hoàn thành mục tiêu Hà Nội và TP.HCM cơ bản áp dụng hóa đơn điện tử trong 2019, trong 10 tháng còn lại của năm, TP.HCM phải có thêm hơn 20.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử/tháng. Đây là bài toán rất khó để giải
Trước mắt, cơ quan thuế cần gấp rút hoàn thành và ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị định 119 để tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp tuyên truyền, vận động, phổ biến về hóa đơn điện tử hiệu quả hơn để thu hút các doanh nghiệp mới, doanh nghiệp còn đang chần chừ sớm sử dụng hóa đơn điện tử.
Nguồn tham khảo: https://einvoice.vn/
Để lại một phản hồi