Hóa đơn điện tử là một hình thức tiên tiến, đem lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý. Hiện hình thức này đã được triển khai phổ biến tại các nước phát triển trên thế giới.
Tại châu Âu, hóa đơn điện tử đã sớm được sử dụng. Tiên phong trong đó có thể kể đến Thụy Điển với việc triển khai hóa đơn điện tử từ những năm 1980.
Năm 2014, Liên minh châu Âu đã ban hành một số chỉ thị yêu cầu các cơ quan chính quyền ở 28 quốc gia thành viên sử dụng hóa đơn điện tử trong giao dịch giữa doanh nghiệp và Chính phủ. Hành động này được thực hiện sau khi Ủy ban này xác định hóa đơn điện tử là một phần trong kế hoạch châu Âu điện tử.
Sang đến châu Á, tại Singapore, Chính phủ nước này đã đưa hóa đơn điện tử vào triển khai từ năm 2003. Đến năm 2008, Chính phủ Singapore đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho Chính phủ bắt buộc phải dùng hóa đơn điện tử. Các doanh nghiệp tại đất nước này cũng đã và đang sử dụng rộng rãi hình thức này.
Hóa đơn điện tử hiện đã được triển khai tại nhiều quốc gia trên thế giới
Tìm hiểu thêm về cách thức triển khai hóa đơn điện tử. CLICK HERE !
Áp dụng muộn hơn so với Singapore, cơ sở pháp lý về việc sử dụng hóa đơn điện tử tại Indonesia mới được xây dựng vào năm 2014 và sau đó đưa vào áp dụng từ 01/07/2016. Kết quả tích cực Chính phủ nước này nhận được là hạn chế thành công nạn làm giả hóa đơn, giảm số hoàn thuế, tăng số thu thuế GTGT.
Tại Hàn Quốc, hóa đơn điện tử cũng đã trở thành hình thức hóa đơn bắt buộc đối với tất cả doanh nghiệp. Trong khi đó, một đầu tàu kinh tế khác của châu Á là Trung Quốc đang trong lộ trình xây dựng ngành thuế điện tử theo chiến lược số hóa quốc gia. Bằng việc áp dụng hóa đơn điện tử, cơ quan quản lý của nước này có thể giám sát tức thì hay dễ dàng kiểm tra thông tin trên từng hóa đơn.
Đối với các nước Mỹ La tinh, hiện Mexico và Chi Lê đã yêu cầu bắt buộc áp dụng hóa đơn điện tử cho một số nhóm doanh nghiệp đáp ứng điều kiện doanh thu đã đề ra. Một số quốc gia khác trong khu vực thì triển khai theo cách yêu cầu người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ gửi tệp hóa đơn tiêu chuẩn tới cơ quan thuế Trung ương để phê duyệt trước khi bán. Hóa đơn điện tử này sau khi được cơ quan thuế chấp thuận sẽ được in bản sao và chuyển cùng hàng hóa, đồng thời thông tin hóa đơn điện tử được gửi qua email tới khách hàng để khách tiện đối chiếu. Ở từng nước khác nhau, các Chính phủ lại có các cơ chế để khuyến khích hay chế tài xử phạt các trường hợp không tuân thủ quy định để đảm bảo “phủ sóng” hóa đơn điện tử.
Tại Việt Nam, ngày 12/09/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP. Đây là hành lang pháp lý quan trọng trong việc triển khai hóa đơn điện tử. Cũng theo Nghị định này, thời hạn bắt buộc các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh hoàn tất chuyển đổi sang hóa đơn điện tử đã được ấn định là ngày 01/11/2020. Tổng cục Thuế, các Cục và Chi cục Thuế ở các địa phương đều đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế để hoàn thành mục tiêu trên.
Có thể nói, hóa đơn điện tử là xu thế tất yếu của thời cuộc. Việc triển khai rộng rãi hình thức này được kỳ vọng sẽ hạn chế tối đa nạn hóa đơn bất hợp pháp, đem lại môi trường kinh doanh hiện đại, minh bạch.
Để lại một phản hồi